(ii) Về thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
- Việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc: Trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, Quyết định, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch góp phần hoàn thành hệ thống chính sách, phát luật về công tác dân tộc trong tình hình mới. Nhìn chung, các Nghị quyết, Quyết định của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh được ban hành kịp thời và đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện 03 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, đối với công tác dân tộc thì trọng tâm là các cơ chế, chính sách, văn bản trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
- Về phát triển nguồn nhân lực: Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, cơ bản bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Trên địa bàn 11 huyện miền núi có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 02 trường trung cấp và 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Giai đoạn 2022 - 2023, trên địa bàn các huyện miền núi đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 43.995 lượt người, trong đó: năm 2022 tuyển sinh, đào tạo nghề cho 21.315 người, năm 2023 tuyển sinh, đào tạo nghề cho 22.680 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 57,3%; tỷ lệ số người được đào tạo nghề ra trường được bố trí việc làm đạt khoảng 79%.
- Về phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi:
Sản xuất nông nghiệp bước đầu theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm: Vùng sản xuất sắn: 10.989,33 ha, vùng sản xuất mía: 10.727,79 ha...; phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững, trên địa bàn miền núi có 217 trang trại chăn nuôi, tổng đàn trâu 140,9 nghìn con; đàn bò 118,6 nghìn con; đàn lợn 702 nghìn con; tổng đàn gia cầm 6,79 triệu con; tăng cường quản lý 3 loại rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, đến hết năm 2023, diện tích vùng luồng thâm canh đạt 40.105 ha, diện tích phát triển rừng gỗ lớn đạt 56.000 ha.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2023 (giá so sánh 2010) toàn vùng đạt khoảng 9.447,8 tỷ đồng; theo giá hiện hành đạt khoảng 16.397,7 tỷ đồng. Tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề được quan tâm phát triển, trên địa bàn miền núi có 10 làng nghề truyền thống được công nhận (08 làng nghề truyền thống tại huyện Như Thanh và 02 làng nghề truyền thống tại huyện Bá Thước).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng năm 2023 ước đạt khoảng 22.487 tỷ đồng; thị trường hàng hóa lưu thông tốt, số lượng, chủng loại hàng hóa tương đối dồi dào, phong phú, đa dạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân khu vực miền núi. Năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn vùng ước đạt 385,22 triệu USD, chiếm khoảng 7,5% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Vật liệu xây dựng (sắt xây dựng, xi măng, tấm lợp, gạch lát nền...); các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu: xăng dầu, gas, máy móc, thiết bị, phương tiện tạm xuất - tái nhập thi công công trình thuộc các dự án đầu tư.
Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa,… được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn các Chương trình MTQG, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác đã và đang đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới.
- Về phát triển giáo dục và đào tạo: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, mạng lưới trường học các cấp được quan tâm đầu tư theo hướng đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa, trong đó tập trung các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trên địa bàn miền núi có 620 trường, trong đó: Mầm non: 199 trường; Tiểu học: 196 trường; THCS: 195 trường; THPT: 30 trường. Năm học 2023 – 2024, tổng số học sinh là 238.332 em; trong đó, mầm non: 55.858 em; tiểu học: 90.641 em; THCS: 66.615 em; Học sinh THPT: 25.218 em.
- Về y tế và dân số: Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số tiếp tục được tăng cường. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thông qua các chương trình, chính sách y tế đối với khu vực miền núi. Năm 2023, trên địa bàn 11 huyện miền núi, Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo đã hỗ trợ cho khoảng 1.700 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, kinh phí hỗ trợ khoảng 900 triệu đồng; hỗ trợ cho 17 đối tượng phụ nữ thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định và bổ sung mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc xã khu vực II, III, thôn ĐBKK thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, không còn nằm trong danh sách các xã khu vực II, III, thôn ĐBKK thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025... Hệ thống y tế và đội ngũ cán bộ y tế cơ sở tiếp tục được nâng cấp; đội ngũ cộng tác viên dân số được mở rộng bao phủ ở tất cả các thôn, bản, tổ dân phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường; công tác truyền thông về dân số được triển khai đa dạng phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng...
- Về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc: Thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể; giữ gìn, tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp; tổ chức các ngày lễ, hội, buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống và tết cổ truyền. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái; du lịch lịch sử - văn hoá; phát triển sản phẩm du lịch "xanh", du lịch "trải nghiệm", du lịch "nông nghiệp" tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hoá địa phương từng vùng; tăng cường đầu tư xây dựng nhà văn hóa – khu thể thao thôn, bản đạt chuẩn theo quy định.
- Về quốc phòng – an ninh, công tác đối ngoại: Tình hình an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; các địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống yêu nước, ý trí tự lực, tự cường, tích cực phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các đối tác quốc tế đang hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa và Việt Nam…
.jpg)
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc như: Hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực miền núi tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp khu vực miền núi. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả còn chưa cao; đã dần hình thành mô hình sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, chuỗi liên kết tập trung ở một số huyện nhưng chưa bền vững; sản phẩm chăn nuôi chưa có tính cạnh tranh cao; chất lượng sản phẩm chưa nhiều. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tuy có tiến bộ, song vẫn còn một số hạn chế, như: hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu và chưa đồng bộ, nội dung hoạt động còn nghèo nàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế khu vực miền núi còn hạn chế; chỉ tiêu cơ bản về y tế - dân số còn thấp so với bình quân chung của tỉnh và các huyện đồng bằng, như: giường bệnh/10.000 dân, bác sĩ/10.000 dân, tỷ lệ trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ... Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; số lượng giáo viên còn thừa thiếu cục bộ giữa các vùng miền; chất lượng giáo dục các huyện miền núi vẫn còn chênh lệch lớn so với các huyện miền xuôi. Đầu tư cho khoa học và công nghệ vùng miền núi còn thấp, mức độ ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế; chưa thu hút đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ nghiên cứu trên địa bàn miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 11,04%, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 3,52%), chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả tỉnh chậm được thu hẹp. Nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc chủ yếu là nguồn ngân sách trung ương; việc hỗ trợ từ ngân sách tỉnh còn hạn chế; chưa huy động được nguồn vốn nước ngoài; công tác huy động nguồn lực xã hội hóa và vốn dân góp thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc còn rất khó khăn. Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của một số đơn vị, địa phương hiện nay vẫn còn lúng túng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; làm công tác chính sách còn thiếu; chuyên môn, nghiệp vụ năng lực lãnh đạo, quản lý còn hạn chế.
.jpg)
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ; Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; (2) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, về thực hiện chính sách dân tộc. Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược công tác dân tộc trong giai đoạn tiếp theo.; (3) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có sức lan tỏa; đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, có hiệu quả; (3) Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua hình thức lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và đối ứng của nhân dân để giảm nghèo, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo và từng bước thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng khác trong tỉnh; (4) Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số./.