Sáng ngày 22/5/2024, Huyện Như Thanh đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ IV, năm 2024 với sự tham dự của 129 đại biểu chính thức đại diện cho gần 42 nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Như Thanh.
Dự và chỉ đạo Đại hội về phía tỉnh Thanh Hóa, có đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đồng chí Bùi Văn Lưỡng – Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Lương Văn Hoàn – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành liên quan.
Về phía huyện Như Thanh có đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Lê Văn Cường – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Đặng Tiến Dũng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội huyện; các đồng chí Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị huyện Như Thanh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện qua các thời kỳ là người dân tộc thiểu số…
Đại hội đại biểu các DTTS huyện Như Thanh lần thứ IV với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, hội nhập và phát triển bền vững”. Đại hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, là ngày hội đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, là dịp để tôn vinh, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ III.
Như Thanh là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 37 km; có 13 xã và 01 thị trấn (trong đó có 02 xã KVIII, 02 xã KVII và 08 xã KVI) với 159 thôn, khu phố. Toàn huyện có 97.643 người, gồm 4 dân tộc chủ yếu : Kinh, Mường,Thái,Thổ và một số dân tộc khác; có 2 dân tộc thiểu số chính là Thái và Mường (dân tộc Mường chiếm 23.43%; dân tộc Thái 19.21%); toàn huyện có 09 xã đạt chuẩn NTM, 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 71 thôn đạt chuẩn NTM, 17 thôn đạt NTM kiểu mẫu; số tiêu chí NTM bình quân toàn huyện đạt 17 tiêu chí/xã và có 10 sản phẩm được công nhận (OCOP) 3 sao.
Những năm qua các dân tộc thiểu số huyện Như Thanh luôn đoàn kết, thống nhất, tích cực tham gia lao động, sản xuất phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng phấn đấu để từng bước nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn huyện. Các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách dân tộc đã mang lại nhiều thay đổi, khởi sắc ở vùng nông thôn miền núi. Đến nay, các chính sách đầu tư đã tác động rất lớn đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, phát huy nội lực trong xã hội và người dân, thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, đời sống đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện. Khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy; đồng bào DTTS đã hoàn thành 100% mục tiêu Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III, năm 2019 và là huyện luôn được đánh giá là tốp đầu trong các lĩnh vực giảm nghèo nhanh (năm 2021: 11,8% đến năm 2023: 3,7%); công tác xây dựng NTM đạt nhiều thành quả cao; chất lượng giáo dục luôn được tỉnh đánh giá là 1 trong 3 huyện dẫn đầu 11 huyện miền núi; Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 32,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019) lên 47,45 triệu đồng/người/năm (năm 2023) tăng 14,95 triệu đồng; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 đạt 1.207 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt tăng cao đạt 37.805 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2023 đạt 2.438 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 11,45%; giá trị sản xuất dịch vụ, thương mại năm 2023 đạt 1.463 tỷ đồng tăng 81 tỷ đồng so với năm 2019 là 1.382 triệu đồng. Tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2023 đạt 160,2 triệu USD. Hoạt động du lịch từng bước được khôi phục và phát triển, năm 2023 đã đón trên 150 nghìn lượt khách du lịch, với hơn 1 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 14,5 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 129,94 tỷ đồng. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đang từng bước nâng cao. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm kịp thời; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững…
Tại Đại hội lần này, huyện đã đưa ra một số mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2029, cụ thể như: Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi dưới 1,5%, trong đó hộ nghèo DTTS dưới 2,0%; phấn đấu không còn xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 98%; có 100% hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 91,3% hộ dùng nước sạch; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế 95%; 84% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 100% hộ DTTS bảo đảm nhà ở 3 cứng theo tiêu chuẩn của Bộ xây dựng; có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 90%. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS theo hướng bền vững; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng DTTS để phát triển kinh tế nhằm rút ngắn khoảng cách sự chệnh lệch mức sống hiện nay; quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ là người DTTS; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo về an ninh trật tự, quốc phòng - an ninh.
Tại Đại hội, các đại biểu đã trình bày nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm, đóng góp thêm những giải pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững…; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc giai đoạn 2024 - 2029.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chúc mừng và biểu dương những kết quả mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân các DTTS trên địa bàn huyện Như Thanh đạt được trong thời gian qua. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024-2029, với mong muốn xây dựng huyện Như Thanh sớm trở thành huyện Nông thôn mới vào năm 2024; đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân các dân tộc huyện Như Thanh cần nỗ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc làm cho các cấp, các ngành và Nhân dân nhất là trong cán bộ đảng viên phải hiểu rõ và kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch; không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nguyên tắc “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. (2) Phát động sâu rộng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển trong các tầng lớp Nhân dân, trong đồng bào dân tộc thiểu số thông qua đó tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chính sách dân tộc để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có sức lan tỏa. Trên cơ sở đó cấp ủy, chính quyền của huyện cần tiếp tục xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản các vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế nâng cao thu nhập thực chất cho đời sống của người dân nhất là đồng bào DTTS, theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau và trước mắt cần tập trung cao nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện trong 02 năm 2024 và 2025. (3) Tiếp tục chăm lo làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, các lệ hội truyền thống; phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…; đồng thời, đẩy mạnh kết nối các điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh, nâng cao tính chuyên nghiệp, khắc phục tính mùa vụ trong dịch vụ du lịch. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhất là giáo dục mũi nhọn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường mầm non, phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đáp ứng yêu cầu vừa dạy văn hoá, vừa dạy nghề cho con em đồng bào các dân tộc. Cùng nhau vun đắp một khát vọng vượt khó vươn lên phấn đấu làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực đối với vùng dân tộc thiểu số, chính sách bố trí sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số; chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán; người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động là con em dân tộc thiểu số vào làm việc. (4) Chủ động xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo an ninh quốc phòng tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, nổi cộm ngay tại cơ sở. Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận, nội chính và phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Quan tâm phát triển đảng viên, nhất là đảng viên vùng sâu, vùng xa, đảng viên là người dân tộc thiểu số... Phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng bản, làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đại hội đã bầu và ra mắt đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV gồm 12 người; Thông qua Quyết tâm thư Đại hội, giai đoạn 2024 -2029.
Nhân dịp này có 129 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào DTTS giai đoạn 2019 - 2024./.
Một số hình ảnh tại Đại hội:
.jpg)
Ảnh 1: Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Đại hội.
.jpg)
Ảnh 2: Các đồng chí Lãnh đạo huyện Như Thanh chúc mừng Đại hội
.jpg)
Ảnh 3: Các em học sinh trường THCS nội trú huyện Như Thanh chúc mừng Đại hội.
.jpg)
Ảnh 4: Tiết mục Văn nghệ chào mừng Đại hội.

Ảnh 5: Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Đại hội.

Ảnh 6: Các cá nhân tiêu biểu nhận Giấy khen tại Đại hội.