Sáng ngày 09 tháng 8 năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị”. Tham dự Hội thảo có đông đủ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chuyên ngành của Trung ương, các trường đại học và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các phong viên báo, chí, truyền hình của Trung ương và tỉnh.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa dự và có bài phát biểu khai mạc, chào mừng Hội thảo, Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:
Kính thưa:................................................................................
Kính thưa các quý vị đai biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học!
Được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, hôm nay, UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị”. Đây là là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy các giá trị của Văn hóa Đông Sơn trên đất Thanh Hóa. Trước hết, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, quý khách, các nhà khoa học đã giành thời gian về tham dự Hội thảo; xin gửi tới các quý vị đại biểu, quý khách, các nhà khoa học lời chào trân trọng và lời chức mừng tốt đẹp nhất; chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học!
Trong suốt chiều dài lịch sử của Dân tộc Việt Nam, xứ Thanh là vùng đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử văn hóa. Nếu như sông Hồng mở ra nền văn minh của dân tộc Việt ở phía Bắc, thì sông Mã quê Thanh, với dòng chảy văn hóa bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ - núi Đọ, tới nền văn hóa đá mới - Đa Bút, chuyển tiếp sang văn hóa kim khí - Gò Trũng, Hoa Lộc, làm nên nền văn hóa Đông Sơn - đồ đồng, góp phần làm cho văn hóa Việt phát triển rực rỡ.
Cuộc khai quật đầu tiên liên quan đến Văn hóa Đông Sơn, được thực hiện vào năm 1924 tại tỉnh Thanh Hóa do một người Pháp thực hiện, nhưng tới năm 1929, kết quả khai quật mới được công bố tại báo cáo của Gou - lou - bơ (V.Golonbew) trong tập san Viễn Đông Bác Cổ, quyển 29 - Thời đại đồ đồng tại Bắc Kỳ và Bắc phần Trung Kỳ và phải 5 năm sau, năm 1934, nền văn hóa lớn này mới được định danh là Văn hóa Đông Sơn. Đó là xem xét ở góc độ khảo cổ học, còn trên thực tế những ghi chép về các hiện vật đồng thau trong lịch sử nước ta đã được thể hiện sớm hơn rất nhiều.
Ngay từ buổi ban đầu, những đồ đồng phát hiện trong vùng lãnh thổ Bắc Việt Nam chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức, họ luôn xem xét các phát hiện này trong vùng Đông Nam Á, ngay cả đối với trống đồng. Chỉ đến khi Hey-nơ Gen-đơn (Henine Geldern), một người Đức đề nghị tên gọi Văn hóa Đông Sơn cho những phát hiện khảo cổ học ở đây và trống đồng loại I He-gơ (Heger) mới có cơ sở để gọi là Trống đồng Đông Sơn, để rồi sau này công cuộc nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đi đến khẳng định các phát hiện trên mang tính bản địa của Việt Nam, là đỉnh cao rực rỡ trong thời đại kim khí Việt Nam, đó chính là Văn hóa Đông Sơn.
Văn hóa Đông Sơn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, vấn đề quản lý, bảo tồn quá khứ, hiện tại và tương lai, phát huy giá trị của các di tích Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa được đặt ra mang tính cấp thiết.
Từ năm 1960 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), các cơ quan nghiên cứu liên quan ở Trung ương và các tỉnh thành phố trong cả nước ... tiến hành rất nhiều cuộc nghiên cứu, thám sát, khai quật khảo cổ học và đã phát hiện được trên 120 địa điểm, gần 300 di tích về trống đồng, chiếm số lượng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố của cả nước.
Điển hình nhất là di chỉ khảo cổ học Đông Sơn tại làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, nằm ở hữu ngạn sông Mã. Không chỉ tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn, di chỉ khảo cổ học Đông Sơn còn phản ánh sự phát triển liên tục từ các giai đoạn tiền Đông Sơn đến thời đại đồ sắt - tức là suốt cả thời kỳ dựng nước của tổ tiên chúng ta, ngay trong địa tầng các hố khai quật, các công cụ sản xuất, vũ khí ... bằng đồng tiêu biểu cho các di vật của một nền văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ đồ sắt.
Như vậy, các di chỉ khảo cổ học trên đất Thanh Hóa đã phản ảnh sự tồn tại và phát triển liên tục của người Việt cổ thuộc các giai đoạn văn hóa từ thời kỳ đồ đá cũ tới thời kỳ đồng thau, sắt sớm, tương ứng với các nền văn hóa: Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn. Có thể nói, mỗi di chỉ, mỗi hiện vật khảo cổ không chỉ giúp các nhà nghiên cứu tìm ra các bằng chứng vật chất về các giai đoạn lịch sử đã tồn tại trên đất Thanh Hóa, mà nó đã và đang góp phần đắc lực vào việc tạo nên diện mạo văn hóa riêng của vùng đất này.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, những phát hiện mới về các di tích khảo cổ học lịch sử thuộc thời Lý - Trần - Hồ, như: Chùa Linh Ứng, Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao, Đền thờ Trần Khát Chân, Đền Đồng Cổ...cũng góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về giá trị và loại hình cho di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,các nhà khoa học!
Những năm qua, nhận thức rõ vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nói chung, trong việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa đã luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Đông Sơn nói riêng, bằng các công việc cụ thể và thiết thực như: Xây dựng các đề án, dự án, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích khảo cổ, tạo cơ sở khoa học và những điều kiện cần thiết để từng bước đưa các di tích Văn hóa Đông Sơn trở thành di sản văn hóa quan trọng của tỉnh, của quốc gia; Xây dựng các kế hoạch đầu tư xây dựng, tôn tạo, quy hoạch đất cho từng di tích khảo cổ tiêu biểu, bảo tồn tốt không gian, địa điểm phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời để các di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn - điểm nhấn cho du khách khi đến với xứ Thanh ...Tất cả những kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa Đông Sơn đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý, nhà khoa học và giới nghiên cứu trong nước và quốc tế, bởi đây là một trong những căn cứ xác thực nhất để xác định vị thế của tỉnh Thanh Hóa trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học!
Văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa cội nguồn, thể hiện sức mạnh trường tồn và mang dấu ấn đặc sắc của văn hóa dân tộc mà cha ông xưa đã tạo dựng nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề chưa được khám phá hết, cần được tiếp tục dày công nghiên cứu nhiều hơn nữa để giải mã. Những giá trị của nền Văn hóa Đông Sơn sẽ mãi mãi là nền tảng tinh thần, là động lực để góp phần đưa dân tộc ta không ngừng đổi mới phát triển, ngày càng giầu đẹp và văn minh.
Hội thảo Văn hóa Đông Sơn -100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị là hoạt động khoa học mang tính cấp thiết và có ý nghĩa thực tiển trong việc bổ sung những luận cứ khoa học xác đáng, nhằm khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của nền Văn hóa Đông Sơn trong diễn trình lịch sử dân tộc nói chung và với quê hương Thanh Hóa nói riêng suốt 100 năm qua; giúp cho các thế hệ, đặc là thế hệ trẻ ở Thanh Hóa thêm hiểu biết sâu sắc và tự hào về truyền thống, lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước. Hội thảo này còn có tác dụng tích cực, phục vụ có hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa Việt Nam, di sản văn hóa xứ Thanh; quảng bá hình ảnh di sản văn hóa và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ, kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.
Tỉnh Thanh Hóa luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các Cục, Vụ, Viện chuyên ngành, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tiếp tục quan tâm, đồng hành, giúp tỉnh Thanh Hóa về cơ sở khoa học để hoàn thiện các đề án, kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể cho tương lai trong bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa Đông Sơn. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan, các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo trí Trung ương và địa phương đối với Thanh Hóa trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa Đông Sơn trên đất Thanh Hóa.
Một lần nữa, xin chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!