BAN DÂN TỘC TỈNH TỔ CHỨC CÁC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THEO NỘI DUNG SỐ 2, TIỂU DỰ ÁN 1, DỰ ÁN 10 THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 1719 CHO NGƯỜI DÂN Ở VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN NĂM, 2023

Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, người có uy tín trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của tỉnh.

Năm 2023, thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 05/5/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 1719), năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, để tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, ngày 01/8/2023 Ban Dân tộc đã ban hành Kế hoạch số 861/KH-BDT về triển khai thực hiện nội dung số 01 và nội dung số 02, thuộc Tiểu dự án 01, Dự án 10 “Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS” thuộc Chương trình 1719.

Theo đó, trong thời gian khoảng 01 tháng, từ ngày 22/8/2023 đến ngày 22/9/2023, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh và UBND 04 huyện: Lang Chánh, Quan Sơn, Ngọc Lặc và Thạch Thành đã tổ chức được 06 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 1.000 đại biểu của 68 thôn, bản, đặc biệt khó khăn thuộc 29 xã của 04 huyện.

Tham gia hội nghị, các đại biểu là cán bộ thôn bản, người có uy tín và đại diện hộ gia đình tiêu biểu tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn được các báo cáo viên của Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh truyền đạt, trao đổi, thông tin các nội dung về một số văn bản luật như: Luật An ninh mạng; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Tiếp công dân; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Trẻ em; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… Hướng dẫn một số nội dung về quy trình tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng chí Cầm Bá Tường - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì và khai mạc 06 hội nghị. Phát biểu khai mạc tại các hội nghị đồng chí Cầm Bá Tường - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã quán triệt với các đại biểu về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và nội dung của các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân các thôn bản đặc biệt khó khăn, đồng chí nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật nhằm để: Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền và được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thông tin về chính sách và pháp luật; thúc đẩy, khuyến khích và thu hút sự quan tâm của Nhà nước và toàn xã hội theo hướng xã hội hóa đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tranh thủ được các nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước nói chung, địa phương nói riêng.

Các đại biểu tham gia tại hội nghị đều là cán bộ của thôn, bản, người có uy tín đã được nhân dân bầu chọn và đại diện hộ gia đình thay mặt cho cộng đồng, tổ chức tiếp thu các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và cấp trên; là những người trực tiếp, tiếp xúc hằng ngày, hằng giờ với đồng bào nên càng cần phải có sự nghiên cứu kỹ hơn các chính sách, pháp luật thì mới có thể tuyên truyền, phổ biến, giải thích được cho đồng bào, vì vậy đồng chí cũng đề nghị và động viên các đại biểu cố gắng tập trung theo dõi các nội dung mà các báo cáo viên trao đổi, truyền đạt để về triển khai tổ chức thực hiện tại gia đình, dòng họ và thôn bản mình cho thật tốt, góp phần vào thực hiện có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng Nông thôn mới…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, trao đổi trực tiếp với các báo cáo viên về các vấn đề như: việc người dân tham gia các hoạt động trên mạng xã hội hiện nay (zalo,facebook…); việc thực hiện các bước đề xuất nguyện vọng, cung cấp thông tin, kiến nghị liên quan đến đơn thư, khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; các vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình ở thôn, bản…

Thông qua các nội dung được tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ tại hội nghị đã giúp các đại biểu được củng cố, cập nhật, bổ sung một số kiến thức và kỹ năng tuyên truyền pháp luật. Đồng thời, cùng giao lưu, trao đổi những khó khăn vướng mắc và chia sẻ kết quả, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền tại cơ sở. Nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn, giúp công tác vận động người dân vùng đặc biệt khó khăn thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như chính sách dân tộc, công tác dân tộc và các chương trình, dự án đang được triển khai thực hiện tại địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chương trình 1719 đã đề ra./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 Đ/c Cầm Bá Tường - Phó Trưởng ban Dân tộc khai mạc Hội nghị.

Đ/c Trung tá Nguyễn Văn Hà - Phó đội trưởng, Phòng PA03 Công an tỉnh Thanh Hóa giới thiệu, trao đổi nội dung tại HN.

Đ/c Nguyễn Thị Kiều Oanh - Trưởng ban Gia đình – Xã hội, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa giới thiệu, trao đổi nội dung tại HN.

Đ/c Nguyễn Thị Phương Hạnh - Báo cáo viên pháp luật tỉnh, Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa giới thiệu, trao đổi nội dung tại HN.

 

Cao Thị Hòa